Lịch sử Thịnh Liệt

Cùng với các làng cổ ở xung quanh kinh thành Thăng Long xưa như kẻ Mơ, kẻ Bưởi, kẻ Noi, kẻ Mọc,... Thịnh Liệt cũng như các làng cổ đó có tên nôm là kẻ Sét. Kẻ Sét xa xưa có 8 làng từ làng Nhất đến làng Tám mà tên chữ là từ Giáp Nhất đến Giáp Bát. Trải qua các thời kì lịch sử có sự thay đổi: làng Ba, làng Năm nhập vào Làng Tư.

Thịnh Liệt trước kia là một trong 25 xã thuộc huyện Thanh Trì, ngoại thành Hà Nội, cách trung tâm nội thành khoảng 6 km về phía tây nam. Phía bắc, xã giáp phường Tân Mai, phía tây bắc giáp phường Giáp Bát và xã Định Công , phía đông và đông nam giáp xã Yên Sở, tây và tây nam giáp xã Đại Kim và xã Hoàng Liệt.

Từ trước thế kỉ thứ 15, Thịnh Liệt gọi là động Cổ Liệt. Tại đây, Hồ Hán Thương có dự định xây cung điện để rời Tây đô về.

Đầu thế kỉ 19, Thịnh Liệt từ các thôn từ Giáp Nhất đến Giáp Bát thuộc tổng Hoàng Mai, huyện Thanh Trì, phủ Thường Tín, trấn Sơn Nam Thượng (năm Minh Mạng thứ ba 1822 đổi là Trấn Sơn Nam).

Đầu thế kỉ 20, các thôn của Thịnh Liệt được gọi là xã và cùng với Tương Mai thuộc tổng Thịnh Liệt, huyện Thanh Trì.

Khi Thực dân Pháp lập ra Đại lý Hoàn Long, một đơn vị hành chính trực thuộc thành phố Hà Nội thì Thịnh Liệt thuộc Đại lý Hoàn Long.

Cách mạng Tháng Tám thành công, chính quyền về tay nhân dân, các làng xã của Đại lý Hoàn Long vẫn thuộc thành phố Hà Nội, hình thành một vùng đất ngoại thành Thủ đô, lập các đơn vị hành chính gọi là khu. Thịnh Liệt thuộc khu Đề Thám.

Trong thời kì đầu chống Thực dân Pháp xâm lược, Thịnh Liệt thuộc quận 6, ngoại thành Hà Nội. Từ cuối năm 1947 đến năm 1950, do yêu cầu của cuộc kháng chiến, thuộc liên quận huyện 3, rồi Trấn Nam, rồi quận ngoại thành Hà Nội.

Năm 1954, hòa bình lập lại, Thịnh Liệt gồm các thôn: Giáp Nhất, Giáp Nhị, Giáp Tứ, Giáp Lục thuộc quận Quỳnh Lôi, sau đổi thành quận 7, ngoại thành Hà Nội.

Khi tiến hành cuộc cải cách ruộng đất, các thôn Giáp Nhất, Giáp Nhị, Giáp Tứ, Giáp Lục của Thịnh Liệt là một xã lấy tên là xã Đoàn Kết. Các thôn: Giáp Nhất, Giáp Bát cùng với thôn Tương Mai thành một xã là xã Hoàng Văn Thụ. Sau đó hai thôn Giáp Thất, Giáp Bát lại sáp nhập về xã Đoàn Kết thuộc quận 7, ngoại thành Hà Nội. Đến năm 1961, ngoại thành Hà Nội mở rộng lần thứ nhất , thành lập 4 huyện, xã Đoàn Kết thuộc huyện Thanh Trì.

Năm 1964, thực hiện Nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố về đổi tên một số đường phố và xã ngoại thành cho phù hợp với giai đoạn lịch sử mới, phát huy truyền thống tốt đẹp của đất ngàn năm văn vật, xã Đoàn Kết được quyết định lấy lại tên cũ đã có từ thế kỉ 15 là xã Thịnh Liệt. Năm 1973, do mở rộng nội thành các thôn Giáp Thất, Giáp Bát thuộc phường Giáp Bát, Giáp Lục thuộc phường Tân Mai, quận Hai Bà Trưng .